TẬP HUẤN MÔ HÌNH GIAO TIẾP AIDET TẠI TRUNG TÂM Y TẾ THỊ XÃ HOÀNG MAI


TẬP HUẤN MÔ HÌNH GIAO TIẾP AIDET TẠI TRUNG TÂM Y TẾ THỊ XÃ HOÀNG MAI

09-30-2024

Ngày nay, giao tiếp cũng là một trong ba yếu tố làm tăng hiệu quả của việc chăm sóc và điều trị. Người bệnh vào bệnh viện không những được chăm sóc sức khỏe bằng các dịch vụ y tế (sử dụng thuốc, hóa chất, các kỹ thuật y tế chuyên sâu,…) mà còn phải được chăm sóc bằng tâm lý, thể hiện qua cách thức giao tiếp của nhân viên y tế với người bệnh và người nhà người bệnh. Tính nhạy cảm, lòng nhân ái, nghệ thuật giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế nói chung, bác sĩ và điều dưỡng nói riêng thể hiện nhân cách, trình độ và sự tin cậy của người bệnh/người nhà người bệnh để họ yên tâm, tin tưởng giao phó tính mạng cho chúng ta. Người bệnh và người nhà người bệnh khi vào viện luôn mang tâm trạng buồn, lo lắng, đau đớn, thậm chí chán nản ... nên đòi hỏi nhân viên y tế ngoài việc phải có trình độ về chuyên môn còn cần phải có kỹ năng, có nghệ thuật giao tiếp ,ứng xử.

Hiện nay, mối quan hệ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, mối quan hệ này đang như một dạng dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ căn cứ trên sự hài lòng của người bệnh. Mặt khác, bệnh nhân cũng muốn mình được chăm sóc tận tình với cái tâm của người thầy thuốc.

Nắm bắt được vấn đề hiện nay của nhân viên y tế, nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế để làm tăng sự hài lòng người bệnh, giúp người bệnh yên tâm, thoải mái trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ, hành vi và tính chuyên nghiệp trong chăm sóc y tế tại bệnh viện, Trung tâm y tế Hoàng Mai đã triển khai tập huấn mô hình giao tiếp AIDET cho nhân viên y tế  tại đơn vị.

Tham dự buổi tập huấn có các đồng chí trong Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng cùng 100 cán bộ là bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, các phòng chuyên môn, hộ lý, bảo vệ trong toàn đơn vị.

Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Đào – Trưởng phòng Điều dưỡng, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện về văn hóa giao tiếp ứng xử cho cán bộ và nhân viên y tế đã chia sẻ các nội dung  giao tiếp chuẩn AIDET trong ngành y tế. Theo đó AIDET là mô hình giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia có nền y học phát triển trên thế giới.

1. A (Acknowledge): Thiết lập mối quan hệ

- “Chào ông/bà [tên bệnh nhân]”
- Nếu không biết tên bệnh nhân, bạn có thể nói “Xin chào ông/bà, có phải ông/bà [tên bệnh nhân] không ạ?
- Cũng có thể là nụ cười kèm với sự giao tiếp bằng ánh mắt (với người bệnh và người đi cùng)
- Khi bệnh nhân và người nhà đến với nhân viên y tế, hãy tạm ngưng những việc đang làm để trao đổi với bệnh nhân. Để thể hiện sự tôn trọng với bệnh nhân và giúp bệnh nhân có cảm giác mình được quan tâm.
2. I (Introduction): Tự giới thiệu
- Sai lầm: Các nhân viên y tế thường hay tự giả định là bệnh nhân đã biết mình, hoặc bệnh nhân sẽ nhìn thẻ tên trên ngực mình. Nên chẳng ai tự giới thiệu.
- Tùy theo mức quan trọng của loại thủ thuật, ý nghĩa của việc giới thiệu bản thân có thể cũng khác nhau. Mức độ tự giới thiệu đơn giản nhất cũng phải bao gồm tên, nơi công tác và chức trách. Ngược lại, trong những trường hợp phức tạp như bác sĩ phẫu thuật đến tư vấn về cuộc mổ chẳng hạn, việc tự giới thiệu bản thân có thể  mở rộng đến quá trình công tác, mức độ kinh nghiệm của mình trong vấn đề sắp xử lý, số ca mình đã từng làm. Tất cả những chi tiết đó nhằm cung cấp thông tin cho bệnh nhân và tạo sự tin cậy cần thiết.
3. D (Duration): Thông tin về thời gian

Có 2 câu hỏi về thời gian mà bệnh nhân hay bất cứ ai khi chờ đợi đều muốn biết, đó là:

- Chờ bao lâu thì sẽ đến lượt mình được khám?
- Cuộc thăm khám sẽ kéo dài bao lâu?

Bệnh nhân Việt Nam thường kiên nhẫn, họ không sợ chờ, mà chỉ sợ không biết chờ đến bao giờ. Do đó, nếu không thể cung cấp chính xác thời gian, hãy cho bệnh nhân một khoảng thời gian.

4. E (Explanation): Giải thích về thủ thuật
 

Việc không được giải thích khi làm thủ thuật còn phổ biến ở nhiều cơ sở y tế. Có thể do áp lực bệnh nhân đông, cũng có thể do nhân viên y tế giả định là bệnh nhân sẽ tự biết mình đang được làm gì nên không cần giải thích. Nếu chúng ta không giải thích là đang vi phạm quyền được thông tin của bệnh nhân.

Nội dung giải thích thường bao gồm: bệnh nhân sắp được làm can thiệp gì, lợi ích và nguy cơ của nó, thời gian thực hiện, các tai biến thường gặp, tiên lượng và cách theo dõi về sau.

5. T (Thanks): Cảm ơn.

Nhân viên y tế cần cảm ơn sự hợp tác và tin tưởng của bệnh nhân.Buổi tập huấn diễn ra trong không khí sôi nổi, tích cực với nhiều câu hỏi, video tình huống, tình huống thực tế được giảng viện đưa ra để các học viên trao đổi, thảo luận và thực hành. Các giảng viên cũng phân tích cho các học viên về mục tiêu, sứ mệnh và ý nghĩa công việc, hạnh phúc của bản thân khi mang trọng trách chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

Tham gia tập huấn, các học viên đều cảm thấy vô cùng hào hứng và rút ra cho mình những bài học, kinh nghiệm quý giá, từ đó có thể áp dựng vào thực tế công việc hàng ngày của bản thân. Đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch của đơn vị nhằm nhân rộng phong trào đổi mới kỹ năng giao tiếp ứng xử và thể hiện quyết tâm thực hành theo mô hình AIDET một cách triệt để trên toàn đơn vị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.

BTT TTYT Hoàng Mai